Xông đất (hay có nơi còn gọi là đạp đất) là tục lệ lâu đời ở Việt Nam, xuất phát từ quan niệm coi ngày mùng một tháng giêng âm lịch là thời điểm khai mở của năm mới. Nếu buổi sớm ngày này may mắn, thuận lợi, thì nhiều người tin cả năm sẽ suôn sẻ, tốt lành. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ ai bước từ ngoài vào nhà đều được coi là xông đất cho gia chủ. Do đó với nhiều gia đình, người xông đất trong ngày mùng một tết phải được chọn lựa và dặn dò từ trước.
Nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tục lệ này, chúng tôi đã trao đổi với kiến trúc sư Hà Anh Tuấn, người có nhiều nghiên cứu liên quan.
Làm thế nào chọn được người xông đất phù hợp với gia chủ, thưa ông?
Đã có khá nhiều tư liệu, thông tin về cách chọn tuổi người xông đất theo tam hợp, lục hợp với gia chủ và năm âm lịch (năm nay là Giáp Ngọ). Tuy nhiên, cần phân biệt phong tục tập quán với các ứng dụng triết lý âm dương ngũ hành của văn hoá truyền thống đông phương. Về mặt tính toán phải kết hợp đầy đủ âm dương, ngũ hành, can chi, tam hợp, tứ hành xung, lục hợp… và theo lối loại trừ dần để chọn ra người phù hợp.
Với cách tính này, rất khó chọn được người xông đất lý tưởng. Tìm được rồi cũng chưa chắc, vì người đó có thể hợp tuổi gia chủ nhưng tết năm nay lại là năm xung tháng hạn của cá nhân người đó, hoặc người đó cũng có kiêng cữ riêng, ví dụ gia đình vừa có tang, bản thân họ gặp những khó khăn, hay nói theo kiểu dân gian là “nặng vía”...
Nếu chỉ xét thuần tuý yếu tố chọn một người có “tuổi tốt, tuổi hợp” thì e rằng quá sơ sài và chưa xem xét thấu đáo. Còn nếu chỉ xem xông đất “cho vui vẻ, không cần kiêng cữ thái quá” thì lại càng mâu thuẫn, giống như dùng nhang điện thay cho nhang thật, chỉ thấy đỏ đỏ là an tâm mà không cần khói hương thành kính gì cả.
Đã có khá nhiều tư liệu, thông tin về cách chọn tuổi người xông đất theo tam hợp, lục hợp với gia chủ và năm âm lịch (Ảnh minh họa).
Như vậy việc chọn được người xông đất phù hợp xem ra khó khả thi? Ông có lời khuyên thế nào?
Trên thực tế, dẫu có chọn được người “lý tưởng” như vậy thì có thể chỉ là người xa lạ, người đi làm dịch vụ xông đất, người chỉ có một thông số là “năm sinh hợp tuổi” mà thôi, còn mọi thông tin cá nhân khác (tính tình, quá trình sống, tố chất riêng…) của người đó thì gia chủ đều không biết.
Mời một người xa lạ như vậy đến nhà mình vào giờ khắc quan trọng đầu năm hầu như đi ngược lại với tập tục xông đất và kiêng kỵ của văn hoá truyền thống Việt Nam. Bao đời nay dân ta đều giữ gìn nếp sum họp gia đình, ngày tết đề huề vui vẻ, quan trọng là nhà cửa sạch sẽ, bàn thờ tổ tiên ấm áp. Đừng vì những mong mỏi làm ăn phát đạt an khang thịnh vượng mà lại đón giao thừa trong tâm trạng chờ đợi một người lạ nào đó (thuần tuý làm dịch vụ) sẽ đến xông đất!
Có “phú quý” đến mức nào thì cũng không cần phải “sính lễ nghĩa” theo cách như vậy. Tại sao không là một người bạn, người thân mà ta mong mỏi được gặp? Tại sao không chọn chính bản thân hoặc người trong gia đình mình xông đất nhà mình để ta chịu trách nhiệm về hên xui của ta (giả sử tin vào điều đó)?
Chọn người xông đất với nhà ở, hay người mở hàng với doanh nghiệp suy cho cùng cũng ở mong ước khởi đầu thuận lợi cho một năm mới. Xét về khía cạnh văn hoá ứng xử, phải chăng chúng ta đang thiếu tự tin vào bản thân đến mức phải trông mong vào các yếu tố mang nhiều xác xuất rủi ro, phụ thuộc bên ngoài của một ai đó?
Nếu không quá đặt nặng chuyện thành bại đến mức mê tín mơ hồ, hãy tự mình khai mở không gian nhà mình trong ngày năm mới. Mỗi gia đình hoàn toàn có thể tạo ra những nghi thức ngày tết cho mình (trong đó có việc xông đất) sao cho phù hợp hoàn cảnh, sức khoẻ, thói quen, sở thích, văn hoá cư xử… để không gây ảnh hưởng đến ai, cũng như chẳng phải cậy nhờ hoặc lệ thuộc gì vào người khác trong ngày đầu năm.
Mời các bạn xem thêm tư vấn phong thủy hay:
Chọn người hợp tuổi xông nhà năm 2014
Nguyên tắc chọn tuổi xông nhà năm 2014
Phong thủy bếp tốt đón may mắn tài lộc
Phong thủy phòng ngủ giúp tình yêu thăng hoa
Kiêng kỵ bố trí phòng ngủ sau bàn thờ
Phong thủy giúp công việc thăng tiến
Những điều cấm kỵ với cửa trong nhà
Phong thủy chốn kê giường 'siêu chuẩn'